Chuyển đến nội dung chính

Giải mã vụ tai nạn Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh (P2)

Giải mã vụ tai nạn Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh ( P1)

Cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và đứa con nhỏ đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nào nguôi đối với thân nhân của họ và nhiều người khác. Riêng đối với gia đình hoạ sĩ Doãn Châu - những người cùng ngồi trên chiếc xe bị nạn - thì cái ngày kinh hoàng đó lúc nào cũng như chỉ mới hôm qua.

Mùa hạ cuối cùng

Chúng tôi tìm tới hoạ sĩ Doãn Châu ở khu tập thể nhà hát Kịch Việt Nam. Ông Châu (hiện đã 64 tuổi) cùng vợ sống trong một căn hộ chật hẹp phía sau Nhà hát Lớn. Riêng ông Châu thì có một xưởng vẽ nhỏ. Đã mấy năm nay, ông thường sống khép mình trong xưởng, hàng ngày chỉ chuyên tâm sáng tác.

Đã 18 năm trôi qua, kể từ ngày vợ chồng Lưu Quang Vũ ra đi, trong ký ức của đôi vợ chồng nghệ sĩ Doãn Châu - Bích Thu (nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam), những hình ảnh về chuyến xe định mệnh vẫn không hề phai nhoà ngay cả từng chi tiết nhỏ.

Nghệ sĩ Doãn Châu là người bạn thân (hai người kết giao với nhau từ năm 1976) và cũng là người cộng tác trong hầu hết các vở kịch nói do Lưu Quang Vũ viết. "Trong số hơn 50 tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ viết thì tôi làm sân khấu tới hơn 30 vở, như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Sống mãi tuổi 17, Ông không phải là bố tôi, Chết cho điều chưa có... Phải 2 - 3 năm nau khi Vũ mất, tôi mới làm việc trở lại", ông Doãn Châu nói.

Với ông Châu, vụ tai nạn là một kỷ niệm buồn, không muốn nhắc tới. Nhưng rồi một hồi lâu, sau khi dồn nén những xúc động vào lòng, ông kể: "Mùa hè năm 1988, tôi và Vũ bàn nhau kế hoạch đưa cả hai gia đình đi nghỉ. Nhưng mãi đến tận đầu tháng 8 vẫn chưa thực hiện được dự định. Nhân chuyện tôi và Vũ làm vở Hai nghìn ngày oan trái với Đoàn kịch Hải Phòng, đoàn mời cả hai gia đình chúng tôi về Đồ Sơn tắm biển và kết hợp đọc vở. Chúng tôi dự định ngày 16/7 âm lịch sẽ khởi hành".

Tuy nhiên, khi đưa ý định đó ra thì bà Bích Thu đã ngăn cản. Bà Thu nhớ lại: "Không hiểu sao lúc đầu, tôi ngăn cản chuyến đi rất kịch liệt, nhưng sau cùng lại đồng ý, cũng là chiều lòng mọi người. Tôi bảo: Nếu đi thì để sau rằm".

Trước đó một ngày, rằm tháng bảy - ngày xá tội vong nhân, gia đình Doãn Châu làm cơm mời cả nhà Lưu Quang Vũ sang ăn. Bữa cơm rất vui. Sau bữa ăn, cả nhà rôm rả bàn bạc về chuyến đi ngày hôm sau. Xuân Quỳnh vốn tính chu đáo, cẩn thận, lo mang theo cả bếp điện, nồi, phin cà phê, đồ ăn thức uống...

Chiều 27/8, hai gia đình về đến Đồ Sơn, đi bằng chiếc com-măng-ca thuê từ Hà Nội. "Nói là đi nghỉ nhưng thật ra chỉ có nhà tôi, chị Quỳnh và hai cháu được thảnh thơi, còn tôi và Vũ vẫn phải bận bịu vì công việc. Ngay đêm đó, khi mọi người đi nghỉ, tôi và Vũ kéo nhau ra hành lang uống nước chè, hút thuốc lào và trao đổi công việc ngày hôm sau.

Sáng 28/8, Vũ đọc kịch bản Hai nghìn ngày oan trái cho Đoàn kịch Hải Phòng, công việc diễn ra hết sức suôn sẻ. Sau bữa cơm chiều, cả hai gia đình kéo nhau ra bờ biển. Đã lâu lắm chúng tôi mới có một đêm thư giãn như thế này.

Vũ kể rất cởi mở với tôi quãng đời đã qua của mình. Cả một quá khứ bị đánh thức. Có những chuyện mãi mãi là của Vũ, tôi không đủ đồng cảm để sẻ chia. Với những chuyện ấy, tôi chỉ biết thương Vũ, dành cho Vũ những lời an ủi, lời khuyên của một người bạn"- Ông Châu trầm tư bên làn khói thuốc.

“Hai nghìn ngày oan nghiệt” hay chuyến đi oan nghiệt

Rất tình cờ, ông Doãn Châu thoát chết trong thảm kịch ấy. "Ở Đồ Sơn đến ngày thứ ba thì Vũ nhớ hẹn với anh Hoàng Quân Tạo ở Đoàn kịch Hà Nội. Ăn trưa xong, Vũ cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vũ giục về luôn, nhưng đã hẹn chờ anh Lân ở Đoàn Hải Phòng để cùng về Hà Nội nên cứ nấn ná mãi", ông Châu kể.

Lưu Quang Vũ (trái) và Doãn Châu tại hậu trường vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Lưu Quang Vũ (trái) và Doãn Châu tại hậu trường vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt".


Chiều 29/8, chiếc xe chở hai gia đình về Hà Nội. Dọc đường đến cầu Lai Vu, xe đỗ, mấy phụ nữ xuống mua một rổ ổi. Lúc đó Mí và Vinh ngồi đánh cờ phía băng ghế bên phải. Ông Châu và Lưu Quang Vũ kẻ nằm người ngồi dưới sàn xe còn Xuân Quỳnh và bà Bích Thu ngồi phía băng ghế đối diện.

Khoảnh khắc xảy ra tai nạn nhanh đến khó tả. Đến gần cầu Phú Lương, Vinh và Mí buồn ngủ. Xuân Quỳnh đổi chỗ cho Vinh để giữ Mí. Vinh chuyển sang băng ghế bên trái nằm gối đầu lên bà Thu. Ông Châu đang nằm dưới sàn xe cũng chuyển lên ngồi băng ghế bên trái, giữ chân con trai.

Lúc này Lưu Quang Vũ nói tếu: "Thôi, tôi về chỗ tôi đây", và ông chuyển về ngồi ghế "thủ trưởng" bên cạnh lái xe. Xe qua cầu Phú Lương, đi trên đường vừa hẹp vừa xuống dốc. Trước mặt có chiếc xe Kamaz đang đi chầm chậm. Đường dốc nên xe nào qua đây cũng phải thận trọng.

Bất chợt, có hai phụ nữ đội nón đèo nhau trên xe đạp, lao từ đê xuống đường, cắt qua mặt xe Kamaz, chiếc xe này phanh khựng lại. Người lái chiếc xe com-măng-ca đang bám sau định đánh tay lái vượt lên. Và chỉ trong tích tắc ấy, một chiếc xe ben phía sau đã mất phanh đâm sầm vào đuôi chiếc com-măng-ca, đẩy xe này vào gầm xe Kamaz phía trước.

Cả gia đình Lưu Quang Vũ ngồi phía bên phải bị văng xuống đường. Ông Châu xác nhận đó là khoảng 14h40 phút ngày 29/8/1988 (trước đây nhiều nguồn tin nói là 15h30 phút).

“Hoa vàng ở lại”... mây trắng về trời

Cho tới tận bây giờ, bà Bích Thu vẫn không thôi bị ám ảm mỗi khi ngồi sau xe bất cứ ai. Bà sợ cảm giác sẽ bị ai đó đâm lên từ đằng sau giống như vụ tai nạn cách đây 18 năm: "Tôi đang ngồi thì bỗng rầm một tiếng, rồi tôi thấy một cơn mưa trắng xoá ở đâu quất đầy lên mặt". Cái mà bà Thu miêu tả - cơn mưa trắng - chính là kính xe bị vỡ vụn.

Ông Châu lúc đó đang ngồi gà gật thì chỉ nghe thấy một tiếng "rầm", cả chiếc xe nẩy tung: "Khi tôi mở mắt ra thì cảnh tượng thật hãi hùng. Quỳnh và cháu Mí nằm im không nhúc nhích. Vũ chỉ còn khe khẽ thở. Tôi cởi áo may ô gối lên đầu cho Vũ. Vũ thều thào: "Thằng Mí đâu rồi?".

Đó là câu cuối cùng Lưu Quang Vũ còn nói được. Xuân Quỳnh và Mí thì đã chết ngay sau cú đâm xe. Bà Thu dập tay phải, ông Doãn Châu gãy xương sườn số 11, rách trán. Duy nhất một người không hề xây xát là Doãn Vinh - con trai ông Châu.

Sau một hồi van vỉ các xe qua đường nhờ đưa người đi cấp cứu, cuối cùng ông Châu cõng Lưu Quang Vũ lên một chiếc xe tải đến bệnh viện: "Cách thị xã Hải Dương 3km thì cảnh sát giao thông chặn lại không cho đi tiếp.

Tôi nói: Đây là Lưu Quang Vũ, nhân tài của đất nước. Cảnh sát nói: "Tôi biết nhưng chiếc xe đã gãy nhíp, đi tiếp rất nguy hiểm". Tôi đành bế Vũ xuống, vẫy xe khác. Đến bệnh viện Hải Dương, đầu Vũ ngoẹo sang một bên. Mấy cô y tá, hộ lý nhìn thấy tôi cõng Vũ thì hỏi luôn: "Đánh nhau hả?". "Không, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bị tai nạn xe".

Các bác sĩ nghe thế thì nhiệt tình cứu chữa, nhưng không kịp... Vũ trút hơi thở cuối cùng lúc 15h20 phút. Cho đến giờ, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ác nghiệt ấy, tôi vẫn cứ nghĩ: nếu hôm đó xe xuất phát sớm hơn hoặc muộn hơn một chút liệu tai nạn có xảy ra không?...

Sau khi xảy ra tai nạn, dư luận xôn xao, rằng liệu đó có phải là một vụ mưu sát. Nhưng những diễn biến trước khi vụ tai nạn xảy ra cho thấy: Nếu có một bàn tay nào đó sắp đặt thì đó chính là số mệnh. Vụ án sau đó được xử tại toà án Hải Dương. Lái xe gây tai nạn bị xét xử tù giam 10 năm.

***
Nhiều năm đi qua, kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, song nhắc đến Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, không ai cầm nổi nỗi xót thương. Với họ, Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ chỉ như đang đi xa, một chuyến công tác dài...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THỰC ĐƠN MÓN ĂN CHAY CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG.

THỰC ĐƠN MÓN ĂN CHAY CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG. #món chay cho người tiểu đường #thực đơn ăn chay cho người tiểu đường Tỉ lệ bệnh đái tháo đường và béo phì đang tăng lên nhanh chóng. Nhận thức được những bệnh này liên quan mật thiết với chế độ ăn uống, một số người chuyển sang ăn chay với hi vọng giảm bệnh hoặc ít ra là hỗ trợ điều trị. Có hai câu hỏi liên quan giữa ăn chay và đái tháo đường được đặt ra: một là ăn chay và ăn thường, chế độ ăn nào có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn? Hai là ăn chay giúp ích gì trong điều trị bệnh đái tháo đường ? Nguyên từ khái niệm ban đầu, thức ăn chay là thực phẩm chỉ toàn thực vật . Dạng ăn chay của người theo đạo Phật, tránh sát sinh ngược với ăn mặn ( ăn động vật ) Nhưng dần dà khi số người ăn chay nhiều lên, thức ăn chay cũng linh hoạt cho phù hợp thực tế với mục đích chính là để thay đổi khẩu vị, bảo vệ sức khỏe hơn là tránh sát sinh. Thức ăn chay hiện nay phong phú hơn nguyên mẫu ban đầu nhiều, có đến bốn nhóm được xếp loại: 1)

Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường cùng bài thuốc số 09

Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bằng cây lô hội Hỗ trợ điều trị tiểu đường với nha đam Cây Lô Hội còn hay được gọi là cây Nha Đam, tên khoa học là Aloe Vera. Từ ngàn xưa, con người đã biết đến lô hội-  một loại thảo dược thiên nhiên mầu nhiệm với nhiều công dụng có ích cho con người. Lô hội ngoài tác dụng làm đẹp nó còn là một trong những thảo dược hỗ trợ điều trị tiểu đường rất quý giá. Đặc điểm của cây lô hội: Theo nghĩa Hán, lô có nghĩa là đen, hội là hội tụ, tụ đọng lại, ý chỉ nhựa cây lô hội khi cô lại thì có màu đen, có thể đóng thành bánh. Hoạt chất chủ yếu của cây lô hội là aloin bao gồm nhiều antraglucosid dưới dạng tinh thể, vị đắng và có tác dụng nhuận tẩy, chiếm tỷ lệ 16-20% cây lô hộ. Vì sao cây lô hội được gọi là thần dược thiên nhiên hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường? Lô hội đã được dùng làm thuốc nam hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường từ rất lâu. Lô hội có vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, mát huyết, chỉ huyết (cầm máu), nhuận tràn